Biểu bì: là lớp da ngoài cùng, nó là một hàng rào không thấm nước, có vai trò tạo ra các tế bào da mới, hình thành màu da, bảo vệ cơ thể trước các tác động từ môi trường bên ngoài.
Lớp biểu bì liên tục tạo ra các tế bào da mới, trong khoảng 3 tuần, các tế bào này sẽ nổi lên bề mặt da và thay thế cho các tế bào chết bị bong ra.
Keratinocytes là loại tế bào phổ biến nhất trong biểu bì, hoạt động như một hàng rào chống lại vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, vi rút, nhiệt độ, tia cực tím và ngăn cản sự mất nước qua da.
Lớp biểu bì không chứa mạch máu. Màu da phụ thuộc vào một sắc tố được tạo ra bởi các tế bào hắc tố tên là melanin - bảo vệ da khỏi tác động trực tiếp từ tia UV.
Năm lớp của lớp biểu bì là:
- Lớp đáy (stratum basale): là lớp trong cùng của biểu bì, nơi các tế bào keratinocyte được tạo ra. Lớp đáy có vai trò quan trọng trong việc sản sinh tế bào mới. Lớp này chứa các tế bào gốc sản sinh ra các tế bào da mới để thay thế các tế bào cũ đã bong tróc. Các tế bào mới này sẽ di chuyển dần lên trên các lớp khác của da, cuối cùng thay thế các tế bào chết ở bề mặt. Ngoài ra, lớp đáy còn chứa các tế bào hắc tố (melanocytes) chịu trách nhiệm sản xuất melanin, sắc tố tạo màu cho da và bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV.
- Lớp gai (stratum spinosum): các tế bào keratinocytes tạo ra chất sừng (các sợi protein) và trở nên có hình con suốt.
- Lớp hạt (stratum granulosum): các tế bào sản sinh ra các hạt nhỏ và các hạt này di chuyển lên trên, biến đổi thành chất sừng và các lipid biểu bì.
- Lớp sáng (stratum lucidum): các tế bào bị ép nhẹ, trở nên bằng phẳng và không thể phân biệt được.
- Lớp sừng (stratum corneum): là lớp ngoài cùng của biểu bì. Ở những vùng da khác nhau, lớp sừng sẽ có độ dày - mỏng khác nhau, thường thì lớp sừng ở lòng bàn tay, chân sẽ dày hơn những vùng da khác. Mỗi ngày, lớp tế bào sừng phía ngoài bong ra liên tục tạo nên những vảy nhỏ như phấn, kết hợp với mồ hôi và chất bã tạo thành ghét.